Phân loại các loại kem chống nắng hiện nay
Tác giả:
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm chống nắng với các đặc điểm khác nhau. Để dễ dàng cho việc lựa chọn các loại kem chống nắng phù hợp với bản thân, bạn nên biết cách phân loại chúng. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Kem chống nắng là gì?
Phân loại các loại kem chống nắng
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là một loại sản phẩm giúp chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời. Bởi nó có tác dụng hấp thụ hoặc phản xạ một số bức xạ tử ngoại (UV) của mặt trời. Tia UV chia theo bước sóng gồm 3 loại: UVA, UVB, UVC. Trong đó UVC đã bị bầu khí quyển chặn lại nên kem chống nắng chủ yếu ngăn UVA và UVB.
Kem chống nắng giống như một lớp màng bảo vệ da khỏi các bức xạ gây hại. Đối với tính thẩm mỹ, nó giúp ngăn sạm da, lão hoá sớm, giảm vết đồi mồi, nám và tàn nhang. Đối với sức khỏe ngăn các tia cực tím phòng tránh ung thư da. Ngoài ra một số loại kem chống nắng có thêm tính năng dưỡng ẩm, nâng tông da thích hợp dùng chung với bộ trang điểm. Vì thế, kem chống nắng là cần thiết vừa để bảo vệ vừa để chăm sóc, làm đẹp da.
Chống lão hoá
Phân loại các loại kem chống nắng
Các loại kem chống nắng
Phân loại theo cơ chế
Kem chống nắng hoạt động chủ yếu dựa trên 2 cơ chế vật lý và hóa học. Kem chống nắng theo cơ chế vật lý hay còn gọi là sunblock có đặc điểm:
- Cơ chế: che phủ trên bề mặt da tạo thành một lớp rào cản vật lý phản xạ và phân tán tia UV ra khỏi cơ thể.
Thành phần: oxit kẽm hoặc titanium dioxide
Ưu điểm: dùng cho những ai có da nhạy cảm; tạo một lớp dày trước da nên khả năng che phủ lâu và bảo vệ da tốt hơn.
Nhược điểm: Kem để lại một lớp mờ đục khi bôi lên da
Loại thứ 2 có tác dụng chống nắng tốt hơn được gọi là kem chống nắng hóa học (sunscreen). Nó có đặc điểm sau:
- Cơ chế: hấp thụ, thẩm thấu và chuyển hoá tia UV thành tia có năng lượng thấp hơn, an toàn hơn, trước khi chúng làm tổn thương lớp hạ bì.
Thành phần: avobenzone, sulisobenzone, oxybenzone và acid para-aminobenzoic (PABA)
Ưu điểm: kết cấu mỏng, nhẹ, không màu, không mùi và khô ráo và ít nhìn thấy trên da hơn.
Nhược điểm: có thể gây dị ứng ở một số người da nhạy cảm; muốn kem có hiệu quả phải bôi trước khi ra nắng trước 30 phút.
Phân loại theo vị trí tác động
Kem chống nắng có loại chỉ dùng cho da mặt hoặc có thể dùng cho toàn thân. Về khả năng chống nắng thì gần như không có sự khác biệt thực sự giữa chúng. Điều khác biệt duy nhất là lượng kem trong lọ. Do đó bạn không cần phải phung phí mua 2 sản phẩm riêng cho 2 mục đích.
Tuy nhiên một số người có da mặt nhạy cảm do bôi thuốc bị bỏng hay đang mọc da non. Trường hợp này nên chọn các loại kem chống nắng riêng cho da mặt nhạy cảm. Vì chúng thường có tính dịu nhẹ hơn, ít có nguy cơ gây kích ứng hơn.
Với trẻ nhỏ, bạn cũng nên tránh sử dụng kem chống nắng dạng xịt trên mặt. Các dạng khí dung có thể không an toàn vì khiến trẻ em hít phải.
Phân loại theo thời gian tác động
Tùy theo khoảng thời gian tác dụng mong muốn mà bạn có thể chọn loại kem chống nắng có SPF cao hay thấp. Cụ thể hơn, theo định mức quốc tế, 1 SPF tương ứng khoảng 10 – 15 phút tác dụng chống nắng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố môi trường mà thực tế thời gian chỉ bằng khoảng 50 – 60% lý thuyết. Như vậy, nếu sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF 30 thì thời gian khả năng da được bảo vệ là khoảng 200 phút.
Nhiều người chọn sản phẩm có SPF rất cao để thời gian bảo vệ da khỏi UV kéo dài hơn. Tuy nhiên, SPF cao hơn có xu hướng dính hơn. Kem lưu trên da quá lâu, cùng với chất tiết, dịch mồ hôi tạo ra các phản ứng hóa học. Vì thế mà các gốc tự do sinh ra làm cho da lão hóa, tổn thương. Nên hãy cân nhắc chỉ sử dụng sản phẩm có SPF cao khi phải ra nắng trong thời gian dài.
Phân loại theo dạng bào chế
Để thuận tiện trong quá trình sử dụng, các nhà sản xuất đã sáng tạo ra các loại kem chống nắng với dạng bào chế khác nhau.
- Kem chống nắng dạng xịt: ưu điểm là thuận tiện nhanh khô và phù hợp với mọi loại da. Bạn có thể tự xịt ra sau lưng mà không cần ai giúp đỡ. Tuy nhiên các dạng xịt thường phủ lên da với một lớp rất mỏng nên khả năng chống nắng thấp.
- Kem chống nắng dạng kem: thể chất mềm mịn nên dễ bôi và dàn đều trên da nhưng dễ bị bết da.
Kem chống nắng dạng gel: dễ thoa và có cảm giác nhẹ nhàng trên da. Phù hợp mọi loại da, hạn chế tình trạng dính lông, tóc như các dạng kem bôi khác. Ngoài ra đặc biệt phù hợp với da mụn do khả năng thẩm thấu nhanh, không chứa dầu. Đổi lại loại này độ bám dính kém dễ bị trôi.
- Kem chống nắng dạng sữa: phù hợp cho các bạn dầu. Ở người da dầu, da mặt thường xuyên bóng nhờn, ra nhiều mồ hôi. Vì thế, những loại có khả năng kiềm dầu, thẩm thấu nhanh và có độ lì như dạng sữa rất thích hợp. Tuy nhiên kem chống nắng dạng sữa sẽ lâu khô hơn vì có chứa thành phần là nước.
- Kem chống nắng dạng sáp: khá dễ dùng nhưng cũng dễ gây mụn, không thích hợp với người da dầu mụn.
Các loại kem chống nắng dạng xịt
Phân loại theo công dụng
Các loại kem chống nắng hiện nay hướng tới chăm sóc da toàn diện. Vì thế nên thường được thêm vào nhiều dưỡng chất có công dụng khác như:
- Kem chống nắng nâng tông: thường dùng phối hợp khi trang điểm, như một lớp phấn nền trên da.
Kem chống nắng chống thấm nước: dùng cho các trường hợp chống nắng khi đi bơi, đi biển hoặc những người hay đổ mồ hôi.
- Kem chống nắng dưỡng ẩm: thích hợp cho các bạn da khô
Bài viết trên chắc hẳn đã giúp bạn phân loại các loại kem chống nắng hiện nay. Mong rằng bạn có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm chống nắng phù hợp nhất để có một làn da khỏe mạnh.
Nguồn: Youmed